THÁNG TÁM VỀ QUÊ
“Sen hồ lốm đốm ngả nâu
Khắp làng thoang thoảng hương ngâu, hương
nhài
Ngày xanh tóc gió dông dài
Đáo quê sợi nắng đã cài sợi sương.
Tiếng chim vẫn ríu rít vườn
Dạt dào sông vẫn sóng thương vỗ bờ
Đâu rồi lau lách tuổi thơ
Bồi hồi cuốc gọi ngẩn ngơ bóng chiều.
Ghé hàng bún ốc bún riêu
Phong thanh bạn gá Việt kiều đi Tây
Mon men đường cũ thăm thầy
Hỏi người lối xóm chỉ mây lưng trời.
Ngang qua ngõ hạnh một thời
Ngả nghiêng vấp tiếng ạ ời nhói đau
Đã hờ hững mắt dao cau
Sao còn cắt cứa lòng nhau thế này?
Một mình chén tỉnh chén say
Đóm vàng bay đóm đỏ bay tứ bề
Dùng dằng cỏ níu chân đê
Nhỡ mai chợ sớm em về muộn trăng…”
Nguyễn Ngọc Hưng
“VỀ QUÊ” VỚI NGUYỄN NGỌC
HƯNG
Nguyễn Ngọc Hưng quê ở Nghĩa Hành, Quảng
Ngãi là một nhà thơ đặc biệt: Vốn là một sinh viên đại học sư phạm Ngữ Văn xuất
sắc, sau một cơn bạo bệnh anh bị tàn tật, không thể tự chăm lo cho bản thân
nhưng với một nghị lực phi thường cộng thêm tình cảm yêu thương, chia sẻ của
người thân và bạn bè, anh đã phấn đấu trở thành một nhà thơ với hàng ngàn bài
thơ được bạn đọc cả nước và quốc tế biết đến. Phải chăng xuất phát hoàn cảnh
riêng mà nhiều bài của thơ anh thường man mác buồn, một nỗi buồn trong trẻo và
đau đáu những khát vọng về hạnh phúc, tình yêu thương. Bài thơ “Về quê” của anh như một lời nhắn gửi,
gợi nhắc những tình cảm quê hương êm đềm sâu kín trong trái tim mỗi người, đồng
thời cũng gợi nên những đồng vọng sâu xa về sự bình yên, hòa hợp.
Theo những dòng thơ, độc giả thấy mở ra trước mắt mình một
quê hương thân thuộc của bao đời với những hình ảnh mà mỗi khi nhắc đến, bất cứ
ai cũng không khỏi bồi hồi thương mến:
Sen hồ lốm đốm ngả nâu
Khắp làng thoang thoảng
hương cau hương nhài…
và:
Tiếng chim vẫn ríu rít
vườn
Dạt dào sông vẫn sóng
thương vỗ bờ
Đâu rồi lau lách tuổi thơ
Bồi hồi cuốc gọi ngẩn ngơ
bóng chiều.
Quê hương muôn đời vẫn thế: là Cõi Bình Yên, Cõi Thanh Sạch,
Cõi Yêu Thương, là nơi vẫy gọi, là chỗ dựa cho những tâm hồn đã mệt mỏi với cái
ồn ã của thị thành, cảm thấy bơ vơ nơi chân trời góc bể. Mùi hương cau, hương nhài, âm thanh ríu rít của tiếng chim, những
con sóng thương nơi dòng sông
quê dạt dào, tiếng chim cuốc bồi hồi… khiến cho những người
con xa xứ khi trở về quê hương bất chợt lặng người trước cái kì diệu, sâu
thẳm vô cùng của hồn quê mà có lúc mình nghĩ là đơn sơ, giản dị đến mức
không để ý. Đó là cái hồn quê mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến hay Nguyễn Bính,
Hàn Mặc Tử, Anh Thơ, Huy Cận …đã từng ngẩn ngơ, say đắm và viết nên những vần
thơ bất tử.
Nối tiếp người xưa, nhưng Nguyễn Ngọc Hưng vẫn
có một “Về quê” của riêng mình. Đó
là bên cạnh những xúc cảm dạt dào đằm thắm trước cảnh quê, hồn quê, câu thơ của
anh vẫn man mác, vương vấn một nỗi buồn, một dự cảm đổ vỡ, thậm chí là đau
thương, mất mát với chất “thời sự” nóng hổi.
Ghé hàng bún ốc bún riêu
Phong thanh bạn gá Việt
kiều đi Tây
Mon men đường cũ thăm
thầy
Hỏi người lối xóm chỉ mây
lưng trời.
Ngang qua ngõ hạnh một
thời
Ngả nghiêng vấp tiếng ạ
ời nhói đau
Niềm vui về quê của nhân vật trữ tình không sao trọn
vẹn bởi vì những cuộc gặp gỡ trong dự định, trong khao khát yêu thương đã không
thành: “bạn gá Việt kiều đi Tây”,
thầy giáo cũ thì đã thành người thiên cổ, người trong mộng xưa đã thành gia
thất, tiếng ru con như cắt cứa trái tim…Bên cạnh những mất mát đau thương, lỡ
làng của muôn đời như thầy mất, người yêu đi lấy chồng còn có một mất mát, tiếc
nuối rất thời sự, chỉ ở thời này mới có là “bạn
gá Việt kiều đi Tây”. Đó có thể là một thực tế, cũng có thể là một ẩn dụ
mang tính dự báo: lối sống hiện đại, Âu hóa, thực dụng đang tàn phá, làm mai
một đi những giá trị tinh thần truyền thống vô giá. Những câu hỏi trong bài thơ
cứ day dứt, vương vấn, khiến tâm tư độc giả không bình yên sau khi gấp trang
sách (Đâu rồi lau lách tuổi thơ… Đã
hờ hững mắt dao cau. Sao còn cắt cứa lòng nhau thế này?).
Và sau mỗi suy tư, tình cảm yêu mến quê hương và khát
vọng giữ vẻ đẹp chân quê mãi trường tồn trong lòng mỗi người thêm bền
chắc, lắng sâu!
Trần Quang Đại.
Giới thiệu thông tin về khách sạn du lịch
Trả lờiXóakhách sạn Hạ Long
khách sạn Huế