Nhận
bản thảo tập thơ Nhớ quê của Hàn Phong Vũ gửi, tôi đọc liền một
mạch và đi từ xúc động này đến xúc động khác. Tôi xúc động và khâm phục anh bởi
đây không phải là tập thơ của một người bình thường mà là tập thơ của một người
khuyết tật, sức khỏe chỉ còn 3%.
Với
một người lành lặn bình thường làm thơ và in được thơ đã là khó. Còn với một
người bệnh tật như Hàn Phong Vũ làm việc này lại càng khó khăn hơn gấp bội
phần. Thế nhưng Hàn Phong Vũ đã làm được và làm rất tốt điều này. Nhớ quê
là đứa con tinh thần thứ 2 của anh. Tập thơ chứa đựng biết bao tình cảm, cảm
xúc được dồn nén ở trong đó, được nuôi dưỡng, được sản sinh bởi một tâm hồn yêu
văn chương một cách cháy bỏng, hết mình.
Có
lẽ như một cơ duyên, tôi được biết anh khi tập thơ Lẽ nào em được
xuất bản vào năm 2011. Tôi được gặp, được trò chuyện trực tiếp với anh trong
đêm Thơ ca tình thương vào tối ngày 2/8/2012 tại nhà hàng Hoàng
Hậu, bên đồi thi nhân Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn. Tôi càng quý và nể phục anh hơn,
bởi niềm tin và nghị lực phi thường của một người khuyết tật biết vượt qua
những khó khăn, trở ngại, những đau đớn về mặt tinh thần và thể xác để sống có
ích trên cuộc đời này.
Năm
2013, Hàn Phong Vũ lại có hạnh phúc lớn lao nữa là được sự tài trợ
của học bổng Phạm Trường Tân mà tập thơ Nhớ quê của anh được xuất
bản.
Tập
thơ Nhớ quê gồm 78 bài và được chia làm 2 phần:
Phần
1: Gửi về quê (41 bài)
Phần
2: Tình bạn- Tình yêu (37 bài)
Trong
78 bài của tập thơ thì có đến 60 bài thơ viết theo thể lục bát. Vì vậy có thể
coi đây là tuyển thơ lục bát của tác giả trẻ tuổi này.
Việc
chia tập thơ làm 2 phần riêng biệt như thế là có dụng ý của Hàn Phong Vũ. Phải
chăng, những người xa quê-cái khao khát, cái hạnh phúc, niềm vui lớn nhất là
được trở về quê sau một khoảng thời gian xa cách để được gặp lại người thân,
gia đình, quê hương, bè bạn… Nhưng với người bệnh tật như Hàn Phong Vũ thì sự
trở về ấy là điều khó có thể thực hiện được, vì giờ đây sức khỏe của anh ngày
càng yếu đi nhiều. Nhớ quê đó là tình cảm của một người con xa
quê đã gần 10 năm nhưng không có điều kiện để trở về. Nỗi nhớ ấy trở thành niềm
khao khát cháy bỏng, niềm đau quặn thắt, rát lòng.
Anh
nhớ tất cả những gì gần gũi thân thương nhất: nhớ một thời tuổi thơ thả diều
trên cánh đồng lộng gió vào những chiều hè, nhớ dòng sông quê hương, bãi ngô
non, những khúc hát dân ca đậm tình, con đường làng, lũy tre xanh, nhớ những
địa danh mà anh đã đi qua, nhớ bạn bè, người thân, ông bà, cha mẹ, nhớ về “EM”
với một nỗi nhớ da diết, cồn cào…
Vùng
đất Thanh Hóa đã trở thành nỗi nhớ day dứt không nguôi trong lòng Hàn Phong Vũ.
Quê hương hiện lên trong thơ anh bàng bạc cái tình của một người con xa quê:
nhớ thương, khắc khoải, yêu mến, gắn bó, cảm thông và có cả sự đau đớn, nghẹn
ngào.
Đặc
biệt xúc động là hình ảnh người mẹ, người cha của mình đang vất vả, lam lũ ở
nơi quê nhà:
Còng
lưng gánh nặng ngược xuôi
Về
khuya đi sớm chợ đời long đong
Chắt
chiu dành dụm từng đồng
Miếng
ngon mẹ giữ cho chồng cho con
Tảo
tần cuốc bẫm cày sâu
Vì
con mẹ nén tủi sầu đắng cay
Nhọc
nhằn nắng rát mưa bay
Mồ
hôi ướt đẫm nhòe cay mắt hiền
(Mẹ!)
Con
thương mẹ lắm mẹ ơi!
Tuổi
già ốm yếu, trở giời thân đau
Muộn
phiền đôi mắt thâm sâu
Sao
hôm tần tảo- dãi dầu nắng mưa
(Thương mẹ)
Cha
tôi năm mấy tuổi đời
Thân
gầy mắt hốc vì tôi dãi dầu
Thương
con tàn khuyết bệnh đau
Ngày
đêm lo lắng mái đầu pha sương
Thương
con nào ngại dặm trường
Bôn
ba khắp mọi nẻo đường mưu sinh
Cha
mong cuộc sống gia đình
Ngày
mai êm ấm yên bình dài lâu
(Cha tôi)
Từ
Thanh Hóa anh vào miền Nam học ĐHSP là anh đang thực hiện cái ước mơ cao cả của
cuộc đời mình, học để được làm một thầy giáo, đem cái chữ về vùng quê nghèo xã
Thành Lộc, huyện hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa giảng dạy cho lũ trẻ quê nhà. Nhưng
tai họa lại bất ngờ ập đến với Hàn Phong Vũ. Năm 2003 vào Bình Phước nhập học
thì cuối năm 2004 anh bị tai nạn giao thông và liệt tứ chi phải nằm một chỗ. Sự
thật đau đớn và nghiệt ngã đó nhiều lúc Hàn Phong Vũ muốn tìm đến cái chết như
là sự giải thoát. Nhưng vẫn còn đó niềm tin, sự yêu thương, cưu mang giúp đỡ
của những người xung quanh đã giúp anh vượt qua nỗi đau tinh thần và thể xác.
Anh từng chia sẻ: “Mỗi người chỉ sống được có một lần nên em muốn nhắn gửi
tới mọi người rằng: hãy cố gắng sống cho thật ý nghĩa, dù trong bất cứ nghịch
cảnh nào”.
Ta
chẳng thể/ làm một kẻ phế nhân/ Suốt cuộc đời/ chỉ than thân trách phận/ Ngôi
nhà thế gian/ bao cảnh đời lận đận/ Họ không cửa, không nhà/ thân tàn tạ điêu
linh./
Ngước
mặt lên trời/ thấy mình chẳng bằng ai/ Khi nhìn xuống/ đã mấy ai hơn mình?/ Bao
em thơ không mái ấm gia đình/ Bao cụ già không còn nơi nương tựa.
……………………………………….
Đã
mang ơn đến với cuộc đời này/ Tay chân liệt…
còn con tim, khối óc/ Còn niềm tin và còn khao khát sống/ Liệu gì có ngăn cản
nổi lòng ta./ Lãng quên đời;/ bao ngang trái buồn đau/ Thả dòng thơ chảy vào
cuộc sống/ Rạng rỡ ngày/ ánh mai/ gọi bình yên!...
(Không thể là phế nhân)
Nhắc đến quê hương là nhắc đến truyền thống anh hùng và
những nét đẹp văn hóa:
Quê hương Tôi/ Đất Thanh Hóa anh hùng/ Có sông Mã, nhiều
phù sa màu mỡ/ Đồng lú chín trải vàng ươm- muôn thuở/ Quê hương Tôi/ Luôn vun
xới, đắp bồi/ Bao đùm bọc, thương yêu đầy tình làng nghĩa xóm/ Giếng nước, gốc
Đa- một thời thắm đượm/ Mái đình quê vang rộn những câu cười
…………………………………
Thanh
Hóa ơi!/ Ôi! Tiếng gọi quê nhà/ Đã gắn kết vào xương da, máu thịt/ Dẫu bão
giông hay cách xa mù mịt/ Vẫn mãi là đất anh dũng, trung kiên
(Thanh Hóa- quê tôi)
Niềm
mong ước, sự khát khao được trở về mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn,
nơi gắn bó với bao kỷ niệm buồn vui của thuở thiếu thời nó luôn thường trực
trong anh. Hơn ai hết, Hàn Phong Vũ thấm thía những giá trị đích thực và thiêng
liêng đó.
Như
vậy, cái tôi gắn bó với quê hương, xứ sở như dòng mạch ngầm xuyên suốt trong
thơ Hàn Phong Vũ. Cái đáng quý và đáng trân trọng ở Hàn Phong Vũ là anh đã thể
hiện hồn quê bằng tất cả tình yêu thương và tự hào về quê hương, xứ sở; đánh
thức trong lòng người đọc bao nỗi niềm.
Thơ
là một cuộc hành trình mà điểm xuất phát và điểm dừng là một- đó chính là cuộc
đời.
Cuộc
đời Hàn Phong Vũ đã gặp nhiều điều không may, anh phải gánh chịu nhiều nỗi đau:
nỗi đau vì ước mơ dang dở không thành, đau vì bị khuyết tật, đau vì xa cha mẹ
và người thân, đau vì xa quê hương, đau vì tình yêu trắc trở không thành …
Chính những nỗi đau ấy nó đi vào thơ anh như một sự giãi bày, như một sự trải
lòng mình ra. Vì vậy, những vần thơ hồn nhiên, mộc mạc, giản dị cứ dạt dào tuôn
chảy theo dòng cảm xúc của anh.
Vốn
là một con người giàu lòng trắc ẩn, Hàn Phong Vũ có những chiêm nghiệm về con
người và cuộc đời. Bằng trái tim yêu thương, anh cảm thông sâu sắc với những
đứa trẻ mồ côi, những người bạn khuyết tật, những người nghèo, những người có số
phận không may... đang hiện hữu trên cuộc đời này. Những đối tượng ấy cũng đi
vào thơ anh bằng tất cả sự hồn hậu, đáng yêu và có cả sự cảm thông sâu sắc của
anh.
Đọc
tập Nhớ quê của Hàn Phong Vũ tôi chỉ hơi tiếc một chút là nếu như
anh chọn kỹ, đầu tư kỹ, bỏ bớt những bài chưa hay, những bài còn lặp lại hình
ảnh, tứ thơ cũ… chọn khoảng 50 bài thì có lẽ đây là tuyển thơ lục bát có chất
lượng đối với một nhà thơ trẻ. Nhưng dù sao chúng ta cũng vô cùng hoanh nghênh,
trân trọng sự nỗ lực và cố gắng lớn của một người khuyết tật chỉ còn 3% sức khoẻ
như Hàn Phong Vũ. Tôi tin chắc rằng, người đọc sẽ đón nhận tập thơ của anh bằng
cả sự yêu thích, cảm thông lẫn sự thán phục và tự hào.
N.V.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã thảo luận!